Một chiếc vợt tốt có thể nâng cao năng lực đánh cầu lông của bạn , khi đi mua vợt cầu lông, phải kiểm tra kĩ lưỡng chất lượng của vợt trước khi quyết định mua hay không mua, từ chất lượng , chất liệu, lưới vợt, gia công vợt, hình thức đến hãng sản xuất, giá cả,…. càng lựa chọn cẩn thận thì bạn càng có cơ hội mua được một chiếc vợt như ý.
Kiến thức khi chọn cước căng vợt cầu lông.
Thứ nhất, thông số gauge (đường kính dây cước).
– Gauge là thông số chỉ độ dày (đường kính sợi) của lưới căng cước vợt cầu lông. Các nhà sản xuất quy định rằng số gauge càng nhỏ thì đường kính sợi lưới càng lớn hay có nghĩa là lưới càng dày. Các thông số gauge 20, 21 hay 22 thuộc loại standard. Trong khi các gauge 20 micro, 21 micro thuộc loại “biến thể” thêm. Tuy nhiên với thương hiệu Yonex, để dễ phân biệt cho người sử dụng thì họ đã đặt số gauge chính là số mm (đường kính sợi cước).
– Bạn cũng cần lưu ý rằng đường kính của dây cước ghi trên vỏ bao là khi chưa căng. Khi đan vào vợt và bị kéo dãn đường kính thực của dây khi đó sẽ giảm đi một ít. Với lưới dày (số gauge nhỏ) thì nó sẽ bền hơn lưới mỏng (số gauge lớn).
– Có nhiều bạn thắc mắc rằng số gauge của dây cước căng vợt cầu lông ảnh hưởng thế nào đến việc đánh cầu? Điều này có thể giải thích như sau, dây cước căng vợt cầu lông có số gauge nhỏ (đường kính dây lớn) sẽ chịu sức cản gió nhiều hơn và do đó động tác đánh vợt chạm cầu sẽ chậm hơn. Ngược lại, dây có số gauge lớn (đường kính dây nhỏ) sẽ chịu sức cản gió ít hơn và kết quả là động tác đánh vợt chạm cầu nhanh hơn. Và thường những dây có đường kính nhỏ (dưới 0.69 mm) sẽ trợ lực một phần (đánh cầu nảy hơn) cho người chơi, nhưng nó cũng có khuyết điểm là dây có đường kính nhỏ sẽ dễ bị đứt hơn so với cước cầu lông có đường kính dày.
– Ngoài ra, với sợi dây cước căng vợt cầu lông của Yonex (hãng được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam) thì nó có một số đặc tính cho bạn phân biệt các loại dây gồm:
+ High Repulsion: cước trợ lực giúp đánh cầu nẩy hơn.
+ Durability: cước có độ bền cao, dùng lâu đứt.
+ High Hitting Sound: đánh cầu nghe nổ lớn, vui tai.
+ Shock Absorption: giảm sốc.
+ Control: kiểm soát cầu.
Thứ hai, sức căng của lưới (đan bao nhiêu kg?).
-Bạn cần lưu ý là cho dù dây cước chịu được sức căng lớn thì bạn cũng không nên đan vợt cầu lông quá số kg quy định mà nhà sản xuất đã khuyến cáo. Chỉ số này sẽ nằm chung với phần chỉ số U và G trên cán vợt và sẽ khác nhau tùy vào cây vợt bạn đang sử dụng, thường thì vợt nặng đầu sẽ cho phép đan số kg lớn hơn.
– Theo các chuyên gia về cầu lông thì khi chúng ta đan lưới càng căng thì đồng nghĩa với kiểm soát cầu càng tốt. Và ngược lại lưới ít căng thì đánh cầu sẽ mạnh hơn. Điều này có thể giải thích như sau: Lưới đan chùng (sức căng thấp) sẽ giãn nhiều hơn khi tiếp xúc trái cầu. Ngay sau khi chạm vào trái cầu lưới co lại độ dài cũ của nó, chính sự co ngay của lưới đã “tiếp thêm sức mạnh” cho cú đánh. Trong khi đó, với lưới đan rất căng thì sự co giãn của lưới là rất ít, khi đó sức mạnh của cú đánh gần như chỉ tùy thuộc sức mạnh của người chơi, chứ không có “sức mạnh được tiếp thêm” từ lưới. Tuy nhiên trong trường hợp này, vì “mọi việc” đều tùy ở người chơi nên điều đó cũng đồng nghĩa người chơi hoàn toàn kiểm soát cú đánh của mình, điều khiển được đường cầu và hướng cầu.